Nguồn vốn nào xây dựng đường cao tốc?

Đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nhưng hệ thống đường cao tốc là một trong những hạ tầng GTVT mang tính thương mại có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư.

Đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nhưng hệ thống đường cao tốc là một trong những hạ tầng GTVT mang tính thương mại có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư.

Do đó bên cạnh việc lập quy hoạch phát triển hệ thống đường cao tốc, thì các cơ chế, giải pháp khả thi của nhà nước để huy động các nguồn vốn đầu tư là rất quan trọng.
Dự kiến đến năm 2020 để xây dựng khoảng trên 2.500km đường cao tốc ở Việt Nam cần xấp xỉ 30 tỉ USD, sau năm 2020 tiếp tục cần một lượng vốn lớn hơn như vậy để đầu tư gần 3.000km nữa. Nguồn vốn đầu tư này được xác định huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Trên cơ sở phân tích, tổng hợp sơ bộ ước tính khoảng 20% vốn đầu tư cho hệ thống đường cao tốc là từ ngân sách trong nước, khoảng 30% kì vọng sẽ huy động được từ nguồn vay ưu đãi quốc tế (ODA), khoảng 40% huy động theo phương thức PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư), khoảng 5% vốn thu hút qua phát hành trái phiếu công trình và 5% từ nguồn vay thương mại quốc tế (OCR).
Vốn Nhà nước và vốn vay ODA
Vốn đầu tư của nhà nước trước mắt trong vòng 5-10 năm tới được xác định giữ vai trò chủ đạo và chiếm tỉ trọng lớn. Xuất phát từ quan điểm này, Bộ GTVT xác định việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước như vai trò "vốn mồi" thu hút các thành phần đầu tư khác là rất cần thiết.
Nhà nước không có điều kiện đầu tư 100% vốn cho các dự án, song phải bố trí được vốn để đầu tư ở một mức độ nhất định tùy thuộc từng dự án. Phần vốn Nhà nước đầu tư vào dự án cao tốc phải được coi là đầu tư công và không tính toán thu hồi trực tiếp.
Trong Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoạch định Nhà nước phải đảm bảo đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đạt 3%GDP hàng năm và phấn đấu thu hút các nguồn vốn khác đảm bảo chiếm từ 40-50% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Song với khả năng cân đối ngân sách hiện tại hàng năm khó có thể tạo sự đột phá và tập trung vốn cho đầu tư hệ thống đường cao tốc.
Mức cân đối chỉ có thể đáp ứng 30% nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung. Để tăng nguồn đầu tư dành cho phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, Nhà nước phải xây dựng những chính sách lớn tăng nguồn thu nhân sách và dành tỉ trọng thích đáng cho khoản đầu tư này.
Mục tiêu của vốn ODA chủ yếu là để hỗ trợ khôi phục, cải tạo kết cấu các nước kém phát triển (GDP đầu người nhỏ hơn 750USD/năm). Do đó có những khó khăn nhất định trong huy động nguồn vốn này cho đường cao tốc. Tuy nhiên cũng không loại trừ nguồn vốn này.
Thực tế một số tuyến cao tốc quan trọng của ta hiện nay đã được các nhà tài trợ quốc tế cho vay như JBIC cho vay đầu tư tuyến Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1), ADB cho vay ODA kết hợp OCR (vay thông thường có lãi suất) đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Yên Bái - Lào Cai. JBIC đồng ý cho vay ODA xây dựng tuyến Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây và cam kết ban đầu cho vay đầu tư các tuyến thuộc cao tốc Bắc Nam nói chung.
Huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách
Để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của VN phải thúc đẩy thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách. Khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào đầu tư là cần thiết và là định hướng lâu dài. Thời gian vừa qua việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách vào đầu tư hạ tầng GTVT chưa được nhiều.
Các phương thức hợp tác Nhà nước - tư nhân bao gồm Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) áp dụng đối với các đường thu phí, Nhà nước phải tham gia cấp vốn cho dự án; Xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao (BOOT) rất phù hợp với các loại dự án lớn, là giải pháp tốt có thể áp dụng đối với nhiều loại các dự án; Xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) cũng là giải pháp tốt đối với lĩnh vực đường bộ. Một số chính sách hợp tác giữa nhà nước và tư nhân đang tiếp tục được xây dựng, sẽ ban hành trong thời gian tới đây.
Ngoài ra các giải pháp như chuyển nhượng quyền thu phí, phát hành trái phiếu... cũng đã được áp dụng. Tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện để có thể thu hút được nguồn vốn lớn hơn nữa của khu vực ngoài ngân sách cho đầu tư đường cao tốc.

Nguồn tin: Phương Anh

Tin liên quan